HRS.ULSA – Kết nối đam mê

Chia sẻ – Kết nối – Phát triển

[2014.9.16] CNS 14 Cảm nhận sách “Tôi tự học” của học giả Nguyễn Duy Cần – Quỳnh Mai – Ban CM

Bình luận về bài viết này

CẢM NHẬN SÁCH “TÔI TỰ HỌC” CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN DUY CẦN

hrs.ulsa tu hoc

“Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục: một thứ do người khác truyền cho; một thứ, quan trọng hơn nhiều, do mình tự tạo lấy”. Thật vậy, để có một nền tảng văn hóa sâu rộng thì sự tự học là một trong những công cụ chính yếu. Tìm hiểu những chia sẻ của học giả Nguyễn Duy Cần thông qua cuốn sách “Tôi tự học”  mình học được ba điểm khá tâm đắc và ứng dụng ngay với bản thân lúc này đó là: những yếu tố chính của sự tự học, phương tiện chính yếu của sự tự học là gì và cần rèn luyện theo những nguyên tắc nào để học tập và làm việc hiệu quả.

Trước hết là những yếu tố chính của sự tự học.

Yếu tố đầu tiên, sự cố gắng bởi một sự cố gắng dù nhỏ đến đâu cũng là điều kiện cần thiết để cho ta tiến bộ.

Thứ hai, để có sự cố gắng bền bỉ thì bạn cần tìm thấy sự hứng thú trong học tập.

Thứ ba, biết tổ chức sự hiểu biết của mình. Tổ chức sự hiểu biết là cách bạn biết cách tổ chức những tài liệu mình thu thập được thành một cái biết có cơ sở vững vàng của riêng mình mà nói như tác giả “kẻ có trình độ văn hóa rộng là người có rất nhiều bậc thầy nhưng không nô lệ một ông thầy nào cả”.

Thứ tư, nên rèn luyện cho mình óc phê bình “sáng suốt và linh động”. Không nên học tiếp thu kiến thức theo lối thụ động mà phải học tập theo lỗi nghiền ngẫm, suy nghĩ.

Thứ năm, hướng đến mục đích của  sự học tập là để thành công trên con đường xử thế.

Thứ sáu, biết tuyển chọn. Có hai cách để tuyển chọn đó là: lượm lặt tinh hoa của tất cả sách vở bất cứ loại gì, thời nào hoặc có thể chọn riêng một đầu đề làm trung tâm nghiên cứu, tuyển chọn những gì liên quan, mỗi ngày đi sâu vào một vấn đề. Bản thân mình thì chọn cách thứ hai. Là một sinh viên chuyên ngành Nhân sự thì đầu đề làm trung tâm sẽ là con người trong một tổ chức từ đó tuyển chọn những vấn đề liên quan để đi sâu tìm hiểu ví như: tâm lý học, phúc lợi như thế nào, tuyển dụng, sử dụng nhân lực ra sao…

Khi đã hiểu được những yếu tố để có thể tự học ở trên thì phương tiện chính yếu của sự tự học sẽ là gì? Phương tiện chính yếu của sự tự học đó là đọc sách hay xa hơn là học tập từ sách.  Cần loại trừ những loại sách dài lê thê, bất tận, sách buồn chán, sách đọc “khó tiêu”. Một câu hỏi đặt ra là nếu là người mới bắt đầu vào quá trình tự học, thì làm thể nào để chọn được “sách hay”, mẹo nhỏ hữu ích là sách hay trước hết là sách học, bạn có thể nhờ những “bậc học thức cao” giới thiệu hoặc chọn sách như người mua đồ tinh tế – mua những sách của những tác giả có tên tuổi viết ra, được tái bản lại nhiều lần. Chọn được sách hay nhưng cách đọc sách cũng vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, cần có một tâm thế và tư thế đọc sách đúng: nên dành cho mình thời gian đọc sách trong yên lặng và cô tịch, tránh vừa đọc vừa nói chuyện, vừa đọc vừa ăn hoặc đọc thoáng qua một trang rồi trả lời điện thoại.

Thứ hai, chỉ đọc sách hay. Sách hay là sách “càng đọc đi đọc lại chừng nào càng thấy nó rộng rãi và sâu xa chừng ấy”. Những quyển sách này phải khêu gợi cho ta thêm suy nghĩ, làm giàu cho ta  về kinh nghiệm, tư tưởng, tài liệu.

Thứ ba, nên trau dồi vốn ngoại ngữ để có thể tiếp cận được các sách nguyên văn do chính tác giả viết chứ không phải thông qua cuốn sách dịch. Vì điểm hạn chế của các sách dịch là người dịch cũng chỉ dịch theo sự hiểu biết tạm thời của họ. “….muốn biết Lão Tử mà đọc cuốn Lão Tử của Ngô Tất Tố thì chỉ biết được Lão Tử theo Ngô Tất Tố chứ chắc chắn không hiểu được Lão Tử…”.

Thứ tư, tránh đọc sách có quá nhiều chú giải.

Thứ năm, đọc sách phải đọc đi đọc lại nhiều lần.

Thứ sáu, đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình. Nếu đọc những sách cùng trình độ với mình chỉ mang lại “sự tán tụng phụ họa” mà không giúp ta suy nghĩ thêm nhiều vấn đề, trái lại đọc những quyển sách cao hơn tầm hiểu biết của mình dù là chưa hiểu hết tư tưởng của tác giả ngay nhưng sẽ giúp ta đào sâu óc suy nghĩ.

Thứ bảy, cần ôn lại những gì ta đã biết hoặc suy nghĩ về vấn đề cuốn sách nêu ra sau đó mới đọc sách để xem tác giả giải quyết hoặc đặt vấn đề như thế nào.

Thứ tám, đọc sách cần phải đồng hóa với nó và phản đối lại với nó. Trong khi đọc sách nên để một phần ý kiến của mình vào đó, đem tư tưởng của tác giả đối chiếu với kinh nghiệm của mình, không nên đọc sách mà tin cả sách cũng như câu nào cũng phản đối lại. Đọc sách không nên chỉ đọc tới đâu hay tới đó như truyện thư giãn mà nên chọn từng vấn đề nhỏ trong quyển sách đặt ra cho mình hướng giải quyết trước khi đi sâu vào quyển sách.

Thứ chín, trước khi đọc sách cần xem mục lục. Nhìn vào mục lục sẽ thấy được tính mạch lạc trong quyển sách, biết cách giải quyết vấn đề của tác giả như thế nào.

Thứ mười, viết lại những gì mình đã đọc. Bên cạnh việc chép lại và tóm tắt ngắn gọn những gì mình đã đọc thì cần có cảm tưởng, ý kiến của mình phản bác lại với tác giả, chắt lọc những gì nên giữ, những gì nên bỏ.

Nắm được phương tiện chính yếu của sự tự học thôi vẫn chưa đủ, để tạo dựng cho bản thân một  nền tảng văn hóa vững chắc cả về bề sâu lẫn bề rộng thì cần có nguyên tắc học tập và làm việc đúng:

Thứ nhất, đi từ cái dễ đến cái khó, tin ở sự thành công. Học bất cứ thứ gì cũng phải khởi đầu từ “sơ đẳng, cơ bản” không được học “tắt”, “đốt cháy giai đoạn”.

Thứ hai, phải làm việc đều đều, tránh gián đoạn. Nên học mỗi ngày một ít nhưng ngày nào cũng học tránh cách học một ngày thâu đêm rồi lại ngủ hai ba tuần.

Thứ ba, biết quý thời gian làm việc học tập và đặt cho nó thành một kỷ luật.

Thứ tư, làm việc gì thì hãy làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại lần thứ hai.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả, muốn làm việc và học tập hiệu qủa bạn phải có sức khỏe dồi dào.

Gấp lại cuốn sách mình thấy rằng tự học thông qua đọc sách rất quan trọng nhưng cần phải biết kết hợp với xem xét, quan sát, phê bình những sự vật xung quanh đời sống. Mỗi người tùy khả năng, tính cách của mình mà tìm ra cho mình phương pháp thích ứng nhất. Câu nói tâm đắc mình đọc được từ cuốn sách “người học thức là người thà biết ít mà thật biết còn những gì mình không biết thì cũng biết rõ là mình không biết”.

Quỳnh Mai
Ban Chuyên môn

Tác giả: HRS.ULSA

About I. TÊN CỦA CÂU LẠC BỘ: Tên tiếng Việt: CLB Kỹ năng nhân sự – ĐH Lao động xã hội Tên tiếng Anh: Human Resource Skills – University of Labor and Social Affairs Tên viết tắt: HRS.ULSA II. MỤC TIÊU Slogan: Kết nối đam mê Giá trị cốt lõi: chia sẻ – kết nối – phát triển

Bình luận về bài viết này